NHẠC RICHARD STRAUSS

 

 

 

Nhạc của Richard Strauss có liên can chặt chẽ đến chủ thuyết cá nhân. Tuy nó có tính cá biệt và có sự sáng tạo về mặt kỹ thuật, lại có sự gần gũi không sai chạy với nhạc của Wagner (xin đọc PST 69). Thực sự thì nhạc của Strauss là sự nối tiếp, làm đậm nét hơn vài tính chất của thiên tài Wagner. Strauss có thể được tả hay nhất là Wagner mà giỏi dang hơn về kỹ thuật, nhưng kém hơn một chút về mặt mỹ thuật và tinh thần. Ta có thể nói là ông làm gia tăng ngữ vựng của Wagner về mặt hòa âm - tự nó đã có khối lượng vĩ đại vì sự sáng tạo của Wagner về mặt này hơn hẳn bất cứ ai trước đó -, Strauss tăng cường lòng phấn khích trong nhạc Wagner nhưng không hề đạt tới mức tinh thần cao vòi vọi  như Wagner đã đạt tới.
Thí dụ như trong vở Salome, khó mà nói Strauss có nhắm đến việc mô tả bằng nhạc nét tinh thần nội tại của thánh John Baptist hay không. Có thể là ông được thúc đẩy do điều oái ăm không tế nhị mấy vào phút giây đặc biệt này. Sao đi nữa, nhạc mô tả đặc tính thánh John có chứa nhiều cảm xúc tôn giáo của dân Đức hơn là nét tinh thần; lại còn có nét giống như nhạc Mendelsshon tuy yếu hơn trong đoạn mà ta đề cập.
Hơn thế nữa, trong nhiều đoạn khác người ta có cảm tưởng là không chừng Strauss muốn cho nhạc có nét tinh thần, mà rốt cuộc chỉ khiến cho nó thành dịu ngọt. Và đó là sự ngọt ngào của riêng người Đức, vì Strauss có dân tộc tính còn mạnh hơn Wagner. Sau các giai đoạn có tính sáng tạo gan dạ, lòng phấn khích cuồng nhiệt, sự lạc điệu chói tai, ông rơi trở lại vào các bản nhạc đầy tính ái quốc sống sượng nhất. Hệ quả của điều này là làm trội hơn nữa dân tộc tính Đức, mà nhiều nhạc của Wagner đã là phương tiện nhấn mạnh.
Strauss chẳng những làm người Đức cảm thấy gắn bó với đất nước của mình hơn so với khi họ nghe nhạc Wagner, mà khi dùng nhạc mô tả lẫm liệt trận chiến, thí dụ như bản Ein Heldenleben, ông ca ngợi chiến tranh và bạo loạn, vì vậy tạo nên hình tư tưởng cho tà đạo sử dụng dẫn tới thế chiến I. Sau khi chiến tranh  chấm dứt với giải pháp hậu chiến gây bất mãn giữa các phe tham chiến, nhạc của ông vẫn còn tác động, và không chút nghi ngờ gì là nó đã phần nào dẫn tới cuộc cách mạng diễn ra sau đó, cho dù việc xẩy ra trước khi nước Đức thua trận.
Thực vậy, kể từ khi nhạc của ông được phổ biến, những cuộc cách mạng và xáo trộn xã hội đã gia tăng, và tất cả những ism - chủ nghĩa khác nhau nhắm vào việc có nhiều tự do hơn, có sự tự biểu lộ lớn hơn, đã lan tràn rộng rãi hơn. Strauss, do sự hòa hợp cách hòa âm táo bạo và đi ngược qui ước với giai điệu đầy phấn khích, gợi nên tình cảm trong con người làm họ mong muốn bẻ gẫy xích xiềng để được tự do. Tính hiển nhiên của vài giai điệu của Strauss làm tăng thêm ảnh hưởng gợi cảm, các âm chỏi nghịch của ông tự chúng chỉ làm tan vỡ nếp suy nghĩ thông thường; còn những giai điệu dễ hiểu của ông khơi bừng tình cảm mới, để rồi cuối cùng gợi hứng cho hành động.
Tự nhiên là các hành động ấy diễn ra dưới nhiều hình thức, thi sĩ làm thơ có nội dung cách mạng hay nói về tính cá nhân; diễn giả bị thúc đẩy dùng bài nói chuyện của mình để kêu gọi có tự do; văn sĩ nhắm tới cùng mục đích; họa sĩ không màng đến qui ước của tất cả những họa sĩ khác trước họ; và ngay cả điêu khắc gia cũng tuyên bố ‘Tôi sẽ không để bị thiên nhiên trói buộc !’ Như thế, khi nhìn vào bất cứ sinh hoạt nào, ta cũng thấy lòng khát khao có Tự do càng lúc càng hiện rõ. Vậy, điều gì đã khiến có sự phản đối của công chúng về luật ly dị khắt khe; tại sao chót hết người ta đòi hỏi có ly dị dễ hơn ? Ước vọng ấy là một như các điều trên, tức phụ nữ đòi hỏi có cùng những quyền hạn như nam giới, và cô đúng lý khi đòi hỏi như vậy.
Dầu sao khi ta đề cập Strauss và Wagner cùng với việc nới lỏng luật ly dị, nó có vẻ thêm sức nặng cho ý tưởng nhiều người có, là nhạc đầy cảm xúc nồng đậm của hai nhà soạn nhạc này có khuynh hướng nhấn mạnh đam mê dục tình, và vì thế điều ta gọi là tự do thì đúng hơn phải gọi là sự hoang đàng. Và tuy bác bỏ ngụ ý đó, ta phải nhìn nhận là có những người bị kích thích tình dục khi nghe nhạc Wagner, và đặc biệt hơn nữa với nhạc của Strauss.
Tuy nhiên về điều này, bản tính của ai như vậy chịu phần trách nhiệm nhiều hơn là chính âm nhạc. Nhạc có lực như thế tự nhiên khích động trọn bản thể, chạm đến cái thấp cũng như cái cao. Người nào mà thể tình cảm không bị chế ngự hay được kiểm soát rất ít, do vậy có thể bị nhạc của Strauss đưa vào trạng thái khích động rối loạn, và khác với nhạc của Wagner, chỉ đi tới tình thương ở cõi tình cảm mà không phải là tình thương ở cõi tinh thần. Còn với ai làm chủ tâm tình, có ước nguyện thanh cao thì không thấy có hệ quả giống vậy. Tình thương  tinh thần là nấc cao hơn của tình cảm, và ai có thể cảm biết tình thương như vậy, nói khác đi khi nốt thấp được khích động và vang lên, nó sẽ lập tức được đáp lại từ nốt trên cao. Nhưng ta cần thêm rằng ảnh hưởng có tính si mê nói ở trên thuộc loại chỉ thoảng qua.
Tại Anh, lễ hội đầu tiên về nhạc của Strauss diễn ra năm 1903 và kể từ khi ấy - ngoại trừ thời gian có thế chiến I - các nhạc phẩm của ông được trình tấu càng lúc càng thường hơn. Cũng kể từ khi đó tất cả những phong trào có khát vọng tự do, kể luôn việc đòi hỏi có phổ thông đầu phiếu nặng tính quá khích, trở nên nổi bật. Mặc dù vậy các dấu hiệu cho thấy rõ là nhạc của ông bắt đầu qua ‘tuổi’ của nó, và không còn làm khơi dậy tình cảm người nghe như trước đây.
Hơn thế nữa, chính Strauss thay đổi cách viết nhạc của mình. Kể từ vở Electra ông đã giảm bớt sự mạnh bạo của cảm hứng, và quay sang việc dùng âm điệu du dương cùng sự quyến rũ tức thì. Trong vở Rosenkavalier theo sau Electra, ông lấy cảm hứng nhiều phần từ Mozart, nên do đó quay về quá khứ. Với sự thay đổi trong nhạc của ông ta có sự thay đổi trong ảnh hưởng. Nói sao thì nói, với những tác phẩm về sau này ông không còn là người chủ xướng sự Tự do, mà về một số mặt ông đã quay trở lại những hình thức hay gặp của thói đời hơn.
Nay sang ảnh hưởng mà nhạc của ông sẽ tác động lên các thế hệ sau, việc ấy tùy thuộc phần lớn vào điều là tác phẩm nào sẽ tồn tại, nhạc thuộc giai đoạn trước có tính cách mạng hay thuộc giai đoạn sau có tính thông thường. Trong khi đó chuyện đáng kể là một số dân Đức có mong ước rõ rệt muốn quay về chính thể cũ (sách viết năm 1933). Trên lý thuyết tuy một chính phủ cộng hòa có vẻ như tiện dụng hơn, nhưng trong lòng dân họ lại có khuynh hướng thiên về quân chủ vì nó lãng mạn, và gợi ý là có người cai trị vững chắc. Các yếu tố về tự do trong nhạc của Strauss, đã có thời thúc đẩy họ chống đối lại một chính phủ chuyên chế, đang mất dần ảnh hưởng sau thời Strauss; nhạc Đức có khuynh hướng thiên về sự chỏi nghịch tối đa, nên có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên với việc người Đức bị dằng co giữa các tình cảm xung đột về chính trị.
Richard Strauss là nhạc sĩ Đức vĩ đại chót hết mà ta tìm hiểu sâu rộng. Nếu để ý bạn sẽ thấy sách không có bài viết về các nhạc sĩ Weber, Schubert, Brahms và Reger, họ bị bỏ qua dù có nét cá biệt. Lý do cho điều ấy là:
– Weber tạo ảnh hưởng lớn lao trên chính âm nhạc và các nhà soạn nhạc khác, nhất là Chopin và Wagner, hơn là trên nhân tính và đạo đức;
– Ảnh hưởng của nhạc Schubert, tuy cho ra sự ngọt ngào, dịu dàng và êm ái trong đời, lại không đủ cho ta xem xét kỹ;
– Nhạc Brahms phần lớn là biến thể của nhạc Beethoven và Mendelssohn, nghĩa là biểu lộ các tình cảm cao của con người và nhất là gợi lòng thiện cảm; và chót hết
– Ảnh hưởng của nhạc Max Reger thì tương tự như của Bach, với sự khác biệt là với các hòa âm lạ lùng, ông gợi nên loại suy nghĩ khác thường tương ứng.
Độc giả các ấn bản trước của sách có hỏi là sao sách không đề cập tới vài nhà soạn nhạc tài ba và có tiếng như Berlioz. Lý do là một số nhà soạn nhạc xuất sắc cho ảnh hưởng rõ ràng về âm nhạc hơn là về đạo đức và khuynh hướng tư tưởng. Thí dụ chỉ có ít người sẽ không chấp nhận thiên tài Mozart; dù không viết nhạc tôn giáo, ông mô tả và thăng hoa trong nhạc tất cả những điều tầm thường trong cuộc sống hằng ngày, nhưng ảnh hưởng thực sự của nhạc Mozart lại không to tát, và nhạc của Haydn cũng thế, tuy các nhạc sĩ này có thể có ảnh hưởng về chính âm nhạc.
Một số nhạc sĩ khác cũng không được đề cập trong sách nhưng vì lý do khác, ấy là để không làm sách quá dài, ta chỉ có thể gồm những nhà soạn nhạc nào cho ảnh hưởng mạnh nhất theo đường lối đặc biệt, và không gồm những ai khác có ảnh hưởng theo đường tương tự mà yếu hơn.

Theo:
Music, Its Influences throughout the Ages,
Cyril Scott.

Xem Phần ÂM NHẠC